Nhận được sự ủng hộ của mọi người về bài viết Cách áp dụng biểu đồ xương cá để học từ vựng, hôm nay mình xin được chia sẻ một số mẹo nhỏ của bản thân giúp mình ôn tập kiến thức một cách dễ dàng hơn.
Mỗi người sẽ có một cách học và mẹo riêng. Nên chúng mình có thể tham khảo và thấy phù hợp với bản thân thì áp dụng nhé!
Mọi công thức sẽ chỉ là vô nghĩa nếu mình không thử áp dụng và biến hóa nó thành của mình. Tìm trên mạng thì vô vàn những kiến thức và cách học hay nhưng nó chỉ bổ ích khi mình cũng tìm tòi áp dụng nó một cách sáng tạo phải không các bạn?
Nào, chúng mình cùng bắt đầu nha!
Sử dụng triệt để sách giáo trình.
Ngày trước mình rất ít khi viết vào sách, mà thường thì không có viết để giữ vở sạch chữ đẹp ^^. Nhưng giờ thì quan điểm của mình lại hơi khác một chút. Để đỡ mất thời gian, và có thể ngay lập tức ghi lại những ý tưởng hay từ ngữ, cảm xúc lóe ra trong đầu thì mình lấy ngay bút bi viết ra cuốn sách mình đang ôn.
Ngày trước thì nghĩ là nhỡ mình trượt thì còn sử dụng sách để ôn lại. Nhưng viết vào thì vẫn ôn lại được lại còn giúp mình ôn lại nhanh hơn ấy 🙂
Như mình dùng cuốn ấy làm giáo án luôn thì để lưu lại những gì mình đã từng dạy và phân tích cho mọi người.
Những bạn nào còn đi học trên ghế nhà trường thì cũng có thể áp dụng việc này để viết lại ngay tức khắc lời của thầy cô hoặc memo lại những phát kiến của bản thân vào phần tương ứng nhé.
Thế nên dạo này cuốn sách của mình nó hay nhem nhuốc thế này 😀
Đây là cuốn Sinkanzen N1 mọi người ạ
Tự ôn tập lại
Với phần từ vựng ngày hôm trước thì mình đã dùng biểu đồ xương cá để tổng kết lại.
Còn với bài ngữ pháp và đọc hiểu thì mình thường làm như sau.
-
Chỉ viết lại những nội dung nổi bật hoặc khó nhớ vào vở.
Mình thấy nếu viết lại hết tất cả cấu trúc, đoạn văn vào vở sẽ rất tốn thời gian và công sức. Nên với bản tính lười bẩm sinh ^^ mình chỉ viết lại vào sổ khi đọc lại sách hoặc giáo trình lần thứ hai mà vẫn bị sai hay không nhớ nghĩa của cấu trúc đó.
P/S:
Khi viết vào giáo trình, mình cũng tận dụng bút đỏ và bút xanh để hình ảnh hóa những phần mình cần ghi nhớ một cách triệt để.
Viết sao cho mình dễ nhìn, và theo mạnh suy nghĩ của bản thân. Để sau quay lại sẽ dễ hình dung lại hơn.
-
Viết lại những câu mà mình làm sai vào trong vở.
Hiện tại mình đang cùng ôn cuốn TRY N2, N1 thì thấy như sau:
P/S: Hôm trước mình ra cổng trường ngoại ngữ mua sách thấy đắt hơn cả mua trên Fahasa 🙁 . Thế nên giờ trung thành với em nó. Đỡ phải đi lại ^^
Sách sẽ đưa ra một bài viết sử dụng những mẫu câu trong bài, xong mới giải thích từng mẫu ngữ pháp, rồi mới đến phần ôn tập và câu hỏi thực tế hay ra trong bài thi.
Thế nên, bước đầu tiên mình sẽ đọc phần miêu tả ý nghĩa cho mẫu câu ấy trước. Sau đó mới quay lại đọc phần đoạn văn ở đầu. Làm như vậy vừa để ôn lại ngay lập tức những mẫu câu mình vừa học vừa hiểu được ý nghĩa của bài văn ấy một cách sâu sắc hơn.
Sau khi đã nắm được hòm hòm nội dung ngữ pháp của bài rồi thì mình chuyển sang làm phần ôn tập.
Với những câu sai thì tìm hiểu thật kỹ xem tại sao mình sai rồi mới viết lại vào vở.
Khi note vào vở thì ghi rõ tại sao mình lại sai để rút kinh nghiệm cho lần sau
=> Cái này mình học được từ cuốn sách ノート術. Biến cuốn sổ của mình thành cuốn sổ lỗi sai.
Khi viết lại những phần mình bị sai thì còn comment cả cảm xúc và suy nghĩ của mình tại thời điểm đó nữa. Như vậy sẽ tạo được ấn tượng để giúp mình nhớ sâu hơn.
Dành cho bạn:
Review sách 深く考えるための 最強のノート術
Ôn tập lại nhiều lần.
Cuốn sổ là vật bất ly thân của mình đã từ 1 năm trở lại đây. Thế nên cứ thỉnh thoảng mình lại dở cuốn sổ nhỏ sinh của mình ra để mần lại những thứ mình đã viết. Do giờ thì mình không còn áp lực bởi việc thi cử nữa, học giờ chỉ là vui vui, chơi chơi và vui thích thôi nên trong cuốn sổ cũng không còn nhiều kiến thức tiếng Nhật mà xen vào đó là nhiều vấn đề khác là mình quan tâm. Nhưng mỗi lần đọc lại những gì mình viết ra vẫn thấy hứng thú vô cùng.
Nhờ vào việc đọc đi đọc lại những phần mình đã sai nhiều lần thì mình sẽ nhớ hơn.
Trước khi đi thi mình có thể ngồi đọc lại qua một lượt những phần mình đã viết. Nếu thấy mình đã nhớ rồi thì không viết lại nữa. Mà chỉ viết lại những cái mình vẫn làm sai xem số trang cần viết có ít lại hay không nhé:)
- Chú ý:
Khi viết, sử dụng triệt để bút đỏ để viết lại những phần cần nhớ, để lúc ôn lại có thể sử dụng bộ kit ghi nhớ của Campus để hỗ trợ trong việc học thuộc.
Viết thưa và cách dòng để có thể ghi chú phân tích thêm hay chèn cảm xúc, ký tự vui nhộn chẳng hạn 🙂
Trên đây là một vài mẹo nhỏ mà mình đã và đang áp dụng thì thấy cũng khá hiệu quả. Chúng mình còn có mẹo nào nữa không thì cùng chia sẻ với mình nhé!
Chúc mọi người có thêm động lực để rèn luyện tiếng Nhật mỗi ngày 🙂
Chị ơi chị mua cuốn 深く考えるための 最強のノート術 ở đâu vậy ạ? Sách này có file không ạ? Em thử tìm mà không thấy có, mua amazon mắc quá với lại em không có thẻ, nghe chị nói em thấy cuốn này hấp dẫn quá muốn tìm học ạ.
Em cảm ơn chị nhiều
Em ơi, tham gia quỹ sách tiếng Nhật cùng chị đi.
Ngoài cuốn đấy ra, còn nhiều cuốn khác nữa cơ.
Thông tin em tham khảo ở link bài viết sau nhé.
https://www.facebook.com/hoctiengnhatcungmao/posts/2996148153942799